Với diện tích 4,46 triệu km2, tổng GDP 2.600 tỷ USD và hơn 600 triệu dân, thu nhập ngày càng tăng và nhiều tiềm năng phát triển du lịch, khách quốc tế đến khu vực ASEAN ngày càng tăng, riêng năm 2012 với gần 90 triệu lượt khách, tăng 9,73% so năm 2011, trong đó, lượng khách quốc tế nội khối chiếm gần 50%.
Việt Nam đứng thứ tư trong khu vực ASEAN về thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó khách du lịch đến từ các nước thành viên ASEAN chiếm khoảng 12%. Năm 2014, ngành du lịch Việt đang có khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và một triệu việc làm gián tiếp, năm 2015 dự kiến đạt 650.000 việc làm trực tiếp và hai triệu việc làm gián tiếp. Lao động quản lý cũng dự kiến tăng 25%. Mỗi năm, Việt Nam cần thêm 40.000 lao động, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch chỉ là 15.000 sinh viên/năm. Lao động du lịch đạt chuẩn nghề thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế…
Cơ hội phát triển du lịch trong Cộng đồng ASEAN 2015
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia, sáng 22-11-2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo các nước đối tác, đối thoại của ASEAN và Tổng Thư ký LHQ.
Thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc quan trọng phản ánh sự lớn mạnh của ASEAN sau 48 năm hình thành và phát triển, liên kết chặt chẽ để đến năm 2025 củng cố cả ba trụ cột là: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Điều cần nhấn mạnh là, ngoài 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết trong AEC (Hàng nông sản; Ô-tô; Điện tử; Nghề cá; Các sản phẩm từ cao su; Dệt may; Các sản phẩm từ gỗ; Vận tải hàng không; Thương mại điện tử ASEAN; Chăm sóc sức khoẻ; Du lịch; và Logistics), các nước ASEAN đã ký Hiệp định công nhận lẫn nhau và tự dó hóa dịch chuyển lao động với tám nghề (kế toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tế, điều tra viên, du lịch).
Theo thỏa thuận, từ năm 2016, các nước ASEAN cho phép chứng chỉ quốc gia của lao động lành nghề được cấp tại một nước thành viên sẽ được các nước thành viên khác của ASEAN thừa nhận. Đặc biệt, có sáu nghề thu hút nhiều lao động nhất trong số gần 40 nghề của ngành du lịch sẽ được dịch chuyển tự do không kèm điều kiện đào tạo là: Lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lý lữ hành.
Hiện nay ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố bảo đảm cho MRA-TP có hiệu lực và có thể chính thức áp dụng vào đầu năm 2016, bao gồm: Thành lập Ban Thư ký khu vực để triển khai MRA-TP; phát triển đội ngũ đào tạo viên, đánh giá viên ASEAN và mở rộng ở cấp độ từng quốc gia thành viên; phát triển các bộ công cụ đào tạo và đánh giá theo bộ sáu tiêu chuẩn nghề; thành lập các hội đồng ngành du lịch và hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề ở từng quốc gia; tiến hành việc đối chiếu các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia, chương trình đào tạo hệ thống văn bằng, chứng chỉ của các nước với nhau thông qua hệ quy chiếu chung của ASEAN; xây dựng lại hệ thống đăng ký trực tuyến và phần mềm đánh giá trình độ năng lực.
Việc triển khai MRA-TP sẽ tạo ra một sân chơi chung giúp lao động của Việt Nam có cơ hội được ra nước ngoài làm việc. Ngành du lịch Việt và các nước ASEAN có thêm nhiều cơ hội tuyển lao động có tay nghề cao, giúp nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ, hình ảnh và uy tín, cải thiện sức cạnh tranh và lượng khách du lịch, tăng doanh thu và động lực tăng trưởng kinh tế vĩ mô và vi mô…
Ngoài ra, với tiềm năng của mỗi quốc gia và sự cởi mở, tự do hóa hơn về pháp lý, nhất là với sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nhiều cơ hội lớn mở ra cho phát triển du lịch Việt, cả về thể chế, cơ cấu sản phẩm, cơ sở hạ tầng và chất lượng, hiệu quả ngành du lịch, cũng như các cơ hội khác của một thị trường ngày càng mở rộng, tự do và có sức liên kết cao hơn.
Chủ động vượt thách thức để phát triển du lịch
Nhân lực là một trong những khâu quan trọng nhất, và cũng đang là khâu yếu nhất của du lịch Việt Nam. Nếu không được nâng cấp và bổ khuyết kịp thời, nhất là về từ cung cách, thái độ, kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ…, ngành du lịch sẽ không chỉ thiếu hụt, mà còn cả bị áp lực cạnh tranh thất nghiệp và bị thay thế bởi lao động nước ngoài, từ các nhân sự cao cấp (quản lý khách sạn, nhà hàng cao cấp, lữ hành, điều hành tour…), đến nhân viên trực tiếp bán hàng, phục vụ buồng, bàn, bếp và hướng dẫn viên du lịch.
Việt Nam là nước chậm nhất trong khối ASEAN khi chưa thông qua Khung trình độ quốc gia, nên đang sử dụng tới ba bộ tiêu chuẩn nghề du lịch là: Bộ tiêu chuẩn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành (với tám nghề); Bộ tiêu chuẩn VTOS do dự án Liên hiệp châu Âu (EU) hỗ trợ thực hiện (10 nghề); Bộ tiêu chuẩn nghề tham khảo của ASEAN (sáu nghề).
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, với trình độ cao đẳng, trung cấp, tiêu chuẩn nghề theo Khung trình độ quốc gia sẽ do Bộ LĐTBXH thông qua. Hiện có hai nghề buồng và lễ tân được Bộ VHTTDL lựa chọn gửi Ban thư ký nghề ASEAN cộng nhận, còn các nghề khác đang đợi Bộ LĐTBXH thẩm định.
Trên thực tế, Tổng cục Du lịch đã đã xây dựng và phát triển hệ thống các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia (đã ban hành tám bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia và đang trong quá trình chuyển đổi 10 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch theo hệ thống VTOS do Liên hiệp châu Âu hỗ trợ thành các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia) để có đủ tiêu chuẩn nghề chung trong ASEAN và gián tiếp là các nước trong khu vực; hoàn thiện đề án Tăng cường hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực du lịch để phổ biến cho các đối tượng liên quan trong ngành… 14 trường thuộc Bộ VHTTDL đang áp dụng tiêu chuẩn VTOS dung hòa chương trình giảng dạy giữa VTOS và bộ tiêu chuẩn ASEAN để đáp ứng quá trình hội nhập cộng đồng AEC.
Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy nhanh kiện toàn hệ thống cấp chứng chỉ và đăng ký nghề quốc gia được liên kết với Hệ thống đăng ký lao động du lịch ASEAN, tạo sự liên thông, dịch chuyển thuận tiện nhất giữa chứng chỉ lao động du lịch của Việt Nam với các quốc gia ASEAN.
Đồng thời, ngành du lịch cần tăng cường tham gia các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ nhân lực, nhất là bộ phận Đào tạo viên ASEAN và Đánh giá viên ASEAN đối với các nghề buồng, chế biến món ăn, lễ tân và phục vụ nhà hàng…theo các tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung trong ASEAN.
Lượng khách trong khối ASEAN vào Việt Nam chiếm khoảng 12% tổng số khách du lịch quốc tế. Vì vậy, việc liên kết các sản phẩm du lịch quốc tế (về các chủ đề: du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa và di sản, du lịch cộng đồng, du lịch tàu biển và đường sông, và du lịch y tế và sức khỏe…) cả trong và ngoài khối ASEAN có ý nghĩa quan trọng đẻ duy trì và mở rộng dòng khác nội khối ASEAN trong gian tới.
Với tinh thần đó, cần xúc tiến các hoạt động liên kết du lịch quốc tế khu vực nhằm tăng nhanh và ổn định lượng khách quốc tế đến từ các thị trường nguồn đường dài (long-haul) theo cả ba tuyến Hành lang Bắc - Nam từ Côn Minh (Trung Quốc) qua Bắc Lào tới Băng Cốc (Thái Lan) và Hành lang Đông - Tây và Hành lang phía Nam từ Băng Cốc - Phnôm Pênh - TP. HCM, định hình cơ cấu và thể chế hợp tác giữa các nước trong ASEAN, nhất là giữa Việt Nam với Lào, Myanmar và Thái Lan.
Bên cạnh việc tích cực tham gia ba mhóm công tác về Marketing và Truyền thông (MCWG), Phát triển sản phẩm (PDWG), Du lịch chất lượng (QTWG) và hai ủy ban là Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) và Ủy ban Hội nhập và Ngân sách ASEAN (TIBC), sự chủ động đào tạo và quản lý phát triển nguồn nhân lực du lịch, thu hút và giữ chân nhân tài đang và sẽ là động lực mới để phát triển du lịch Việt trong một môi trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của Cộng đồng ASEAN trong thời gian tới.