5 trải nghiệm ở miệt vườn Tiền Giang

5 trải nghiệm ở miệt vườn Tiền Giang

19/01/2018 Admin 0 Bình luận

Ngồi xuồng ba lá qua những con rạch, thưởng thức trái cây và nghe đờn ca tài tử là những trải nghiệm khó quên trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Tiền Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cách TP HCM khoảng 70 km về phía bắc, nổi tiếng với những miệt vườn. 

5 trải nghiệm ở miệt vườn Tiền Giang
Miệt vườn Tiền Giang. 

Tìm hiểu nét văn hóa Tây Nam Bộ

Xe chạy trên đường cao tốc Trung Lương về Tiền Giang, bạn sẽ được dịp ngắm những cánh đồng lúa nước rộng bao la. Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó thân thiết với con người, làng quê Việt Nam. Bằng hạt gạo được ví như hạt ngọc trời ban cho, Lang Liêu đã làm nên bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời và đất để kính dâng vua Hùng. Do đó, cây lúa nước đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Cây lúa và người nông dân đã trở thành những hình ảnh không thể thiếu trong bức tranh làng quê Việt Nam.

Nét đặc trưng khác của miền Tây Nam Bộ là những ngôi mộ chôn trong ruộng nhà, bởi các lý do vô cùng thâm thúy của cha ông thuở xưa. Ông bà tổ tiên là những cư dân miền Trung tiến vào miền Nam để khai hoang mở đất, việc chôn mộ trong ruộng nhà có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nghìn đời gìn giữ và gần với con cháu. Một lý do nữa là hệ thống kênh rạch chằng chịt, phương tiện di chuyển bằng tàu thuyền chỉ dùng để đưa đám cưới, chứ không dùng để đưa quan tài, vì lẽ đó, phải chôn trong ruộng nhà.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng là nơi thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 3 km. Đến tham quan chùa, bạn sẽ được dịp hình dung về lịch sử mỹ thuật của vùng đất này qua quần thể kiến trúc độc đáo.

Nhìn bên ngoài, bạn sẽ thấy ngôi chùa mang cả hai phong cách kiến trúc Đông - Tây kết hợp rất lạ. Vòm cửa, hoa văn trang trí theo kiểu châu Âu, nền lát gạch men Nhật Bản, 5 mái ngói nhô cao tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) của phương Đông. Song bên trong, lối kiến trúc điêu khắc Việt Nam thể hiện đậm nét qua 60 bức tượng quý, được tạc bằng gỗ, đồng và đất nung. Trong số đó, giá trị nhất là bộ tượng 18 vị La Hán được làm bằng gỗ mít, có từ đầu thế kỷ 20. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai theo giáo lý nhà Phật. Có thể nói, bộ tượng này là tuyệt đỉnh nghệ thuật tạc tượng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuở xưa. 

5 trải nghiệm ở miệt vườn Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng. 

Thưởng thức trái cây và nghe đờn ca tài tử

Đến bến tàu, bạn lên thuyền đi vào khu du lịch Thới Sơn và ngắm cảnh trên sông Tiền. Cồn Thới Sơn hay còn gọi là cồn Lân, có hình dáng như long chầu trong cung đình Huế, sở hữu 4 cái nhất: tuổi đời cao nhất, diện tích lớn nhất, cũng được coi là đẹp và hài hòa nhất trong “Tứ linh” (Lân, Long, Quy, Phụng).

Đi thuyền trên sông Tiền, bạn dễ dàng nhận ra cầu Rạch Miễu. Rạch Miễu là cây cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư Việt Nam xây dựng với sự góp sức của công ty Thụy Sĩ về mặt kỹ thuật, dài 8.331 m, trụ tháp cao 106 m và đóng dưới lòng sông sâu 90 m.

Sau 15 phút, thuyền cập bến tại khu du lịch Thới Sơn. Bạn đi xe ngựa vào vườn trái cây để thưởng thức sáu loại trái cây gồm có thơm, thanh long, chuối, đu đủ, sabôchê (hồng xiêm), mít với cách ăn từ chua trước đến ngọt sau. Trong lúc nhâm nhi trái cây, bạn có thể tận hưởng những thanh âm mượt mà, sâu lắng từ tiếng đàn, lời ca qua dòng nhạc tài tử. Bộ nhạc cụ biểu điễn đờn ca tài tử Nam Bộ gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. 

5 trải nghiệm ở miệt vườn Tiền Giang
Nghệ thuật đờn ca tài tử miền Tây.

Khám phá hệ thống kênh rạch miền Tây

Đi bộ xuyên qua vườn cây, bạn ra đến bến đò nhỏ. Từ bến đò, người phụ nữ với chiếc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, chèo xuồng ba lá trên kênh rạch, đưa bạn đến làng nghề nuôi ong lấy mật. Tại đó, bạn sẽ được thưởng thức trà mật ong làm ấm lòng du khách thị thành và gặp gỡ, trò chuyện cùng những người dân Nam Bộ chân chất.

Một chiếc xuồng ba lá có một người cầm chèo chính và một người cầm chèo phụ. Họ không chèo bằng cách đứng mà họ chèo ngồi, vì vùng kênh rạch ở đây nhỏ hẹp, có nhiều cây dừa nước đan xen tàu lá ở phía trên. Chiếc xuồng len lỏi qua những kênh rạch chằng chịt thật thú vị. Hai bên bờ kênh có rất nhiều cây thủy liễu mà người địa phương quen gọi là cây bần. Rễ bần có chức năng giữ các chất phù sa, dùng làm nút bấc bình thủy, nút bấc chai rượu. Quả bần khi còn sống có vị chát, khi chín có vị chua hơn me, có thể dùng để nấu canh chua cá đồng. 

5 trải nghiệm ở miệt vườn Tiền Giang
Hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng cũng rất thu hút ở miền Tây.

Ghé cồn Phụng tham quan di tích đạo Dừa

Rời cồn Thới Sơn, bạn lên thuyền lớn để qua cồn Phụng - nơi có di tích đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam lập ra từ những năm 60. Thuyền đến đoạn Rạch Gầm, Xoài Mút - nơi ghi dấu chiến công của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tiêu diệt năm vạn quân Xiêm. Sang thế kỷ 20, nơi đây ghi đậm chiến công của các “dũng sĩ diệt Mỹ” trên vành đai Bình Đức nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cồn Phụng còn nhiều di tích đạo Dừa như tháp Hòa Bình, sân Rồng, chùa Nam Quốc Phật và cổng tam quan. Tháp Hòa Bình là nơi ông đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, tòa tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm hình rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén. Sân Rồng có 9 con rồng vàng thể hiện ước mơ làm vua của ông lúc bấy giờ. Chùa Nam Quốc Phật có hình dạng giống hàm của con rồng, trong chùa có phòng Nội Các - nơi ông và các tín đồ bàn công chuyện. Hai tòa tháp tượng trưng cho miền Nam và miền Bắc, phía dưới là bản đồ Việt Nam. Trong một ngày ông đi bộ từ tòa tháp này sang tòa tháp kia (từ Nam ra Bắc). Mặt sân tượng trưng cho Quy, ngôi chùa tượng trưng cho Lân, cổng vào tượng trưng cho Phụng và sân chín rồng tượng trưng cho Long, tất cả tạo thành “Long Lân Quy Phụng” mang ý nghĩa vĩnh cửu.

Kết thúc hành trình, bạn sẽ nhớ mãi nét chất phác và hồn quê thấm đượm nơi khung cảnh, con người miệt vườn Tiền Giang.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Hotline
0938009014